Chưa xác định dữ liệu
04/07/2022

Câu chuyện về Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp đầu tiên ở Việt Nam - Giáo sư Phạm Văn Thức

Câu chuyện về Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp đầu tiên ở Việt Nam - Giáo sư Phạm Văn Thức

Chuyên mục Khách mời hôm nay xin dành để nói về một nhà khoa học vừa là thày thuốc vừa là thày giáo. Đó là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp. Vốn là một bác sĩ có đầy tiềm năng phát triển, với khả năng vươn xa trong sự nghiệp, ông vẫn thiết tha gắn bó với mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Hình ảnh năng động của ông truyền cảm hứng cho đông đảo sinh viên, qua đó lan tỏa khát vọng hội nhập với bạn bè quốc tế. Câu chuyện về sự thành đạt của ông không phải điều gì quá cao xa, mà được khái quát một cách vô cùng giản dị. Đơn giản chỉ là “bản thân mình hôm nay phải tốt hơn, giỏi hơn chính mình của ngày hôm qua".

Tháng 5. Hoa phượng nở thiết tha, rợp bầu trời thành phố. Trong rất nhiều hoạt động tưng bừng, diễn ra hân hoan khắp Hải Phòng, có buổi lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm trang trọng. Và giải thưởng cao nhất đã được trao cho nhóm tác giả của Giáo sư Phạm Văn Thức, bởi những cống hiến thiết thực cho thành phố quê hương. 

Cũng trong tháng 5/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh những trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu trên toàn quốc. Buổi lễ vinh dự được đón Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và trao thưởng. Một lần nữa, Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân Phạm Văn Thức lại được vinh danh trong niềm tự hào là gương mặt đại diện cho giới khoa học của Hải Phòng - những người đã và đang góp sức hiệu quả vào quá trình thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thành phố và đất nước trong giai đoạn mới.

Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân PHẠM VĂN THỨC, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng: Đây không phải là niềm vinh dự riêng của cá nhân tôi mà là niềm vinh dự chung của giới trí thức khoa học Hải Phòng. Tôi cũng đại diện cho các nhà trí thức của Hải Phòng quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh khoa học công nghệ (KHCN) trong quá trình phát triển nền KHCN Việt Nam nói chung và KHCN của Hải Phòng nói riêng". 

Đại học Y Dược Hải Phòng là một ngôi trường lớn, là cái nôi rèn luyện, đào tạo nên lực lượng cán bộ y tế vững vàng, không chỉ cho thành phố Cảng mà còn cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Thành quả của nhà trường hôm nay có sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, trong đó nổi bật vai trò của Giáo sư Phạm Văn Thức - vị Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ duy nhất của trường từng được bầu là Thành ủy viên 2 khóa, đồng thời cũng có 2 khóa là Đại biểu HĐND thành phố Hải Phòng. 

Giáo sư có công lao rất lớn trong quá trình đưa nhà trường cùng bệnh viện của trường phát triển, với cơ sở vật chất khang trang, to đẹp, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học cũng như điều trị bệnh hiệu quả cho người dân. 

Giáo sư - Tiến sĩ PHẠM MINH KHUÊ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng: "Khi thầy nhận vinh dự là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp thì thầy đã chính thức lập ra một cái quỹ để khuyến khích các học viên, sinh viên và cán bộ trẻ bằng các học bổng, bằng cái quỹ đó. Khi là Viện sĩ, thày đã kết nối được rất nhiều với Viện Hàn lâm Y học Pháp. Hiện nay, chúng tôi tổ chức định kỳ các cuộc họp với Viện Hàn lâm Y học Pháp, và tổ chức các hội nghị khoa học và cũng mời tất cả các thành viên, các đồng nghiệp ở các trường, các bệnh viện trên cả nước tham gia.

Sinh viên MẠC ĐÌNH THANH - Đại học Y Dược Hải Phòng: “Thầy rất rất giỏi ngoại ngữ, thế nên là thầy luôn nhắc nhở chúng em học hỏi những kiến thức từ năm châu. Thầy cũng hay tổ chức những buổi gặp mặt với sinh viên nước ngoài. Điều ấy truyền cảm hứng cho chúng em, để cố gắng trở thành một người bác sĩ vừa giỏi chuyên môn mà vừa luôn cập nhật kiến thức, để phát triển bản thân ra bên ngoài thế giới”.

Giáo sư - Tiến sĩ PHẠM MINH KHUÊ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng: Các giờ giảng của thầy hiện nay cũng rất là tích cực trong việc đổi mới về phương pháp. Thầy cũng đóng góp vào sự phát triển của nhà trường về mặt học thuật. Các nhiệm kỳ gần đây, thầy đều là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở của trường và thầy cũng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trường".

Sinh viên MẠC ĐÌNH THANH - Đại học Y Dược Hải Phòng: “Cách truyền đạt của thày rất là trẻ trung, rất là cuốn hút. Thầy rất gần gũi vàà thầy cũng rất là cập nhật. Và những chương trình của Đoàn trường, của sinh viên, thày luôn cố gắng sắp xếp để tham gia, rồi chia sẻ kinh nghiệm cho chúng em những cái kỹ năng, những hành trang để từ một sinh viên y, sau này trở thành một bác sĩ tốt nhất như thế nào”.

 Dù công việc bận rộn đến mức nào, Giáo sư Thức vẫn dành thời gian đọc sách, nhất là các tài liệu chuyên sâu của nước ngoài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm lương y, Giáo sư đã tiếp nối xứng đáng con đường mà ông nội và người cha năm xưa dành nhiều tâm huyết. Trong những nỗ lực mở ra các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Giáo sư luôn coi trọng vốn kiến thức y học cổ truyền Việt Nam.

Thưa Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân Phạm Văn Thức! Là gương mặt khoa học đầu tiên của Việt Nam được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp, xin ông chia sẻ đôi điều về tâm huyết góp phần đưa nền y học Việt Nam vườn tầm quốc tế!

Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân PHẠM VĂN THỨC, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng: Hiện nay, rất nhiều các trường Đại học ở Việt Nam, trong đó có Đại học Y, đều tăng cường hội nhập quốc tế. Thực sự là rất nhiều công trình, rất nhiều sáng kiến đã được quốc tế công nhận. 

Khi được phân công làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng, tôi đã cùng với BGH nhà trường lập ra một kế hoạch, để phát triển vươn lên tầm quốc tế, và có kết nghĩa với nhiều trường Đại học trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc, rồi Nhật Bản, Trung Quốc… để cập nhật tất cả những chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, trao đổi với các chuyên gia nước ngoài trong quá trình học tập ở các nước bạn, rồi trao đổi trong các hội nghị quốc tế; rồi chuyển giao các kĩ thuật công nghệ hiện đại, nhằm có nhiều kiến thức đưa về áp dụng tại Việt Nam. 

Và, chính những kiến thức này lại được chúng tôi áp dụng, để có thể trao đổi lại với quốc tế. Có những điểm mà mình có thể học tập ở các chuyên gia nước ngoài, và cũng có những điểm mà mình có thể trao đổi những cái nghiên cứu của mình với các bạn.  Đặc biệt, ở Việt Nam còn có một cái kinh nghiệm trong quá trình phối kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, ví dụ như là châm cứu, bấm huyệt, rồi thuốc đông y để điều trị rất nhiều những bệnh mạn tính… Cho nên rất nhiều các chuyên gia nước ngoài, họ nói là y học cổ truyền Việt Nam có nhiều điểm rất là hay. Đấy chính là sự học hỏi lẫn nhau.

Là một nhà khoa học nỗ lực vươn tầm quốc tế thông qua việc trau dồi ngoại ngữ (song hành với chuyên môn chính), xin ông cho biết: Từ đam mê đến hiệu quả công việc, chúng ta có thể đo đếm bằng thành quả cụ thể ra sao ạ?

Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân PHẠM VĂN THỨC, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng: Muốn có được sự phát triển của y học hiện đại thì cần phải có giao lưu với các nước tiên tiến trên thế giới. Trường Đại học Y Hải Phòng tăng cường mở rộng tất cả các mã ngành đào tạo, như y đa khoa, răng hàm mặt, y học dự phòng, y học cổ truyền, chuyên ngành về điều dưỡng, chuyên ngành về kĩ thuật y học, các dược sĩ đại học. 

Về sau đại học, chúng tôi đã mở hơn 50 mã ngành như nội - ngoại, sản - nhi, lây, lao, da liễu… Đặc biệt, chúng tôi có 2 chuyên ngành rất đặc thù là y học biển và dược liệu biển, là chuyên ngành chỉ có duy nhất ở trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Những tai nạn trên biển, những bệnh lý trên biển thì lại rất cần y tế biển.

Đặc biệt, Đại học Y Dược Hải Phòng rất có uy tín trong hệ thống Francophone, hệ thống của hiệu trưởng các trường đại học y toàn thế giới nói tiếng Pháp. Từ năm 1995, chúng tôi cũng là trường đầu tiên tham gia vào chương trình này. Cho nên chúng tôi gửi rất nhiều cán bộ, sinh viên sang Pháp học, sang các nước nói tiếng Pháp học. Và chúng tôi cũng tham gia nhiều cuộc hội thảo bằng tiếng Pháp ở quốc tế và kể cả tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Do đó thì chuyên gia của các nước đều đến đây dự và chia sẻ kinh nghiệm. 

Ngoài tiếng Pháp, chúng tôi còn tổ chức rất nhiều các hội nghị quốc tế về tiếng Anh nữa, cho tất cả các chuyên ngành. Rất nhiều giáo sư nước ngoài ở Pháp, ở Mỹ, ở các nước khác được phong là Giáo sư danh dự của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Cũng có những giáo sư của Đại học Y Dược Hải Phòng trở thành giáo sư danh dự của các trường khác trên thế giới; cá nhân tôi cũng là Giáo sư danh dự của Đại học Y khoa BRESS ở Pháp, là Giáo sư danh dự của Đại học Kanasawa, Nhật Bản. Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tương xứng với các trường đại học y trên thế giới, như Bác Hồ trước đây từng căn dặn là phải xứng với cái tầm của các nước ở năm châu".

Trong vòng quay cuộc sống đầy bận rộn, Giáo sư Phạm Văn Thức luôn tìm thấy niềm vui trong công việc mỗi ngày. Có những khi buổi sáng vừa đứng lớp giảng bài, buổi chiều ông đã có mặt tại Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, để chủ trì nghiệm thu một đề tài khoa học cấp Bộ. Ông cũng thường xuyên được mời vào hội đồng trong các hoạt động chuyên môn tại Trường Đại học Y Hà Nội, như vai trò phản biện trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ở ngôi trường cũ hôm nay.

Giáo sư - Thày thuốc Nhân dân - AHLĐ NGUYỄN ANH TRÍ, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Chúng tôi là bạn từ lúc mới vào trường đại học, là những sinh viên học cùng khóa với nhau, khi đỗ bác sĩ nội trú thì lại học chung một lớp chuyên khoa cùng với nhau. Ngoài cái tố chất thông minh, nhạy bén trong nghề thì Thức rất là ham học, rất quyết tâm, rất say mê nghiên cứu khoa học. Chúng tôi còn nhớ mãi Thức đã từng báo cáo những đề tài mà chúng tôi ngồi nghe, vừa cảm thấy ngưỡng mộ, vừa cảm thấy tự hào".

Hiện Giáo sư Phạm Văn Thức không còn giữ vai trò quản lý vì đã bước qua tuổi 60, nhưng ông vẫn làm việc miệt mài, cả trong vai trò thày giáo và thày thuốc. Ông cũng nằm trong nhóm các nhà khoa học đóng góp công sức ban đầu, thành lập nên Viện Y học biển Việt Nam, một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 

Tiến sĩ - Bác sĩ NGUYỄN VĂN TÂM, Trưởng khoa Nội Tổng hợp II, Viện Y học Biển Việt Nam: Thầy là một trong những chuyên gia hàng đầu về dị ứng miễn dịch lâm sàng. Đặc biệt thầy rất quan tâm tới lĩnh vực y học biển, một trong những chuyên ngành mới của cả nước. Trong chiến lược phát triển y tế biển đảo, Đề án 317, thì Chính phủ coi trọng phát triển y tế biển đảo, trong đó giao cho Trường Đại học Y Dược Hải Phòng thành lập Khoa Y học biển, khoa đầu tiên về y học biển trên cả nước. 

Giáo sư - Thày thuốc Nhân dân - AHLĐ NGUYỄN ANH TRÍ, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: “Tôi đã từng được tham gia trong việc mà Bộ Y tế lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm một thứ trưởng y tế. Hôm bỏ phiếu đấy là phiếu của Thức rất cao, đứng đầu bảng. Nhưng sau đó Giáo sư Phạm Văn Thức không lên làm Thứ trưởng Bộ Y tế, mới thấy rằng Phạm Văn Thức rất yêu mảnh đất, con người và công việc tại thành phố Hải Phòng xinh đẹp đó”.

Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân Phạm Văn Thức quả là hình ảnh truyền cảm hứng về khát vọng học tập suốt đời, qua đó lan tỏa niềm đam mê phấn đấu cả về chuyên môn và ngoại ngữ đến đông đảo đội ngũ sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Trong trái tim ông, tình yêu với thành phố quê hương dường như dồn tụ lại trong tình yêu với ngôi trường thân thiết - nơi đào tạo, rèn giũa các thế hệ sinh viên trưởng thành, để tỏa đi làm việc, cống hiến cho ngành y tế ở khắp mọi nơi.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam